Việt Nam cần chuẩn bị cho 5G ngay từ bây giờ
Ông Anup Changaroth
Theo ông Anup Changaroth, Giám đốc cấp cao Phòng Công nghệ và Phát triển Kinh doanh Chiến lược, Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Ciena, với nhiều quốc gia, 5G sẽ là câu chuyện của 2 năm tới hoặc có thể xa hơn một chút. Tuy nhiên, quá trình chuẩn bị phải bắt đầu từ bây giờ để tạo ra những nền tảng căn bản giúp triển khai 5G hiệu quả nhất.
Tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ hay Úc..., những quốc gia này đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để sẵn sàng cho tiến lên 5G. Ví dụ như tại Nhật Bản, Ciena đang hỗ trợ xây dựng hệ thống 5G với kế hoạch triển khai là từ năm 2019.
Đối với Việt Nam, ông Anup Changaroth cho rằng có thể dài hơn một chút, có thể là năm 2020 hoặc cũng có thể lâu hơn, nhưng ngay từ lúc này tất cả các đơn vị cung cấp dịch vụ hạ tầng mạng đều cần phải nghiên cứu trước xem họ cần phải chuẩn bị những gì, nền tảng 4G hiện nay phải thay đổi như thế nào để chuyển đổi sang 5G một cách nhuần nhuyễn.
Ngoài ra, đó còn là yếu tố quy mô, kiểm soát hệ thông các phần mềm, đào tạo kỹ năng và năng lực sử dụng…
“Với góc độ là đơn vị cung cấp các giải pháp, chiến lược cũng như hệ thống mạng, chúng tôi thường tư vấn cho khách hàng như vậy và hỗ trợ khách hàng trong các giai đoạn chuẩn bị chuyển dịch về mặt chiến lược”, ông Anup Changaroth nói.
Trong vấn đề phát triển 5G, Ciena hiện đã tham gia cung cấp công nghệ, các giải pháp, hệ thống tiêu chuẩn cho nhiều khách hàng tại Mỹ, Úc và Nhật Bản…
Đại diện Ciena bày tỏ sẵn sàng tham gia vào thị trường 5G tại Việt Nam, cung cấp thông tin và tư vấn cho các đơn vị khách hàng về cách thức xây dựng hệ thống, tổ chức các hệ thống kiểm soát phần mềm một cách hiệu quả nhất khi chuyển sang 5G.
Ciena có khả năng linh hoạt cung cấp, nâng cấp đường truyền tốc độ từ 10Gbps lên 40Gbps, 100Gbps hay 200Gbps… Khách hàng sử dụng công nghệ của hãng có thể giảm chi phí đầu tư và tận dụng khả năng mở rộng nhanh chóng, dễ dàng.
Ciena cũng là nhà cung cấp duy nhất trên nền tảng phần mềm mã nguồn mở, cho phép khách hàng tự tích hợp hệ thống, tự nâng cấp mà không cần phải trả thêm chi phí.
Liên quan đến câu chuyện “Việt Nam chuẩn bị tiến lên 5G có phải là quá sớm”, cũng tại Hội thảo quốc tế 4G/5G diễn ra mới đây tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng nếu không muốn tụt hậu, ngay từ bây giờ Việt Nam cần xem xét đến 5G để bắt kịp sự phát triển, các nhà mạng phải nghiên cứu ngay từ bây giờ để tiến tới cung cấp dịch vụ cho khách hàng, đón đầu xu hướng.
Việt Nam cần chú trọng đến sự phát triển dịch vụ hài hòa ở từng khu vực khác nhau như nông thôn, thành phố, các đối tượng người dùng khác nhau.
Đồng quan điểm, ông Anup Changaroth cũng cho rằng câu chuyện 5G không phải là hướng tới người tiêu dùng cuối (hộ gia đình, cá nhân) ngay từ đầu mà là đối tượng khách hàng doanh nghiệp trước. 5G được cung cấp cho doanh nghiệp để tăng băng thông để phục vụ hoạt động kinh doanh.
“Tôi cho rằng ở Việt Nam cũng theo bước tương tự, đó là hướng tới đối tượng doanh nghiệp trước, tăng tối ưu băng thông để doanh nghiệp sử dụng phục vụ hoạt động kinh doanh rồi sau đó mới mở rộng sang đối tượng khách hàng cá nhân”, ông Anup Changaroth nhấn mạnh.
Ictnews.vn